Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng thẻ tín dụng mới nhất
Thẻ tín dụng cho phép bạn chi tiêu trước trong một hạn mức nhất định và tất toán lại cho ngân hàng sau. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng thẻ tín dụng và quản lý chi tiêu tốt bạn rất dễ lâm vào cảnh “thiếu trên hụt dưới”. Hãy dành thời gian theo dõi bài viết dưới đây của Sinai Ventures để hiểu rõ thẻ tín dụng là gì và cách sử dụng thẻ tín dụng sao cho hiệu quả nhé.
Contents
Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (tiếng anh là Credit Card) là một loại thẻ thanh toán do ngân hàng hoặc tổ chức tài chính phát hành. Khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán sản phẩm/dịch vụ trước, sau đó hoàn trả số tiền này cho ngân hàng trong thời hạn quy định. Với mỗi khách hàng, ngân hàng sẽ phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng (số tiền trong thẻ tín dụng) nhất định, dựa trên hồ sơ mở thẻ và mức độ uy tín (theo CIC).
Các chức năng chính của thẻ tín dụng bao gồm:
- Thanh toán chậm: Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm các sản phẩm/dịch vụ tại những cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thanh toán trực tuyến trên các website bán hàng có hỗ trợ.
- Rút tiền mặt: Rất nhiều người thắc mắc “Thẻ tín dụng có rút tiền được không?”. Câu trả lời là có. Thẻ tín dụng hỗ trợ tính năng rút tiền mặt tại cây ATM với số tiền từ 30% – 70% hạn mức thẻ tín dụng. Tuy nhiên khi rút tiền từ thẻ tín dụng bạn sẽ phải trả phí và lãi suất khá cao.
- Trả góp: Hiện nay, hầu hết các cửa hàng, trang thương mại điện tử đều hỗ trợ khách hàng mua trả góp bằng thẻ tín dụng, giúp người dùng linh hoạt hơn trong việc chi tiêu. Tùy theo giá trị sản phẩm/dịch vụ, bạn có thể lựa chọn kỳ hạn trả góp mong muốn là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hay thậm chí là 24 tháng.
Về bản chất thì thẻ tín dụng cho phép “dùng trước, trả sau”, đồng nghĩa với việc bạn đang vay tiền của ngân hàng để dùng trước và phải thanh toán sau định kỳ mỗi tháng (thường là trong vòng 45-60 ngày, tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng). Sau thời hạn thanh toán mà bạn vẫn chưa thanh toán, ngân hàng sẽ tính lãi suất như lãi suất cho vay (mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng).
Lợi ích của việc dùng thẻ tín dụng
Việc sử dụng thẻ tín dụng mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho chủ thẻ. Cụ thể như:
- Giải quyết nhanh các khó khăn tài chính: Trong những tình huống khẩn cấp mà số dư tài khoản không đủ, thì thẻ tín dụng đích thực là một “chiếc phao cứu sinh” dành cho bạn. Thẻ tín dụng được sử dụng phổ biến trong trường hợp thanh toán mua sắm hoặc thanh toán chi phí bất ngờ trong thời gian ngắn.
- Thanh toán tiện lợi: Bạn có thể thanh toán mọi giao dịch online lẫn offline, hoá đơn trong nước và ngoài nước một cách dễ dàng. Nếu thanh toán trực tiếp tại địa điểm mua sắm, bạn chỉ cần mất 1 giây để quẹt thẻ qua máy POS. Nếu thanh toán online, bạn chỉ cần nhập các thông tin trên thẻ, bao gồm số tài khoản, ngày hết hạn, số CVV, CVC là đã có thể hoàn tất thủ tục chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút.
- Nhiều chương trình ưu đãi: Khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, bạn sẽ có cơ hội nhận rất nhiều ưu đãi hấp dẫn, giảm giá, hoàn tiền và tích lũy điểm thưởng hay nhận voucher mua sắm… Bạn có thể tận dụng các ưu đãi này để tiết kiệm chi phí và nhận quà tặng hấp dẫn.
- Hỗ trợ xây dựng điểm tín dụng cá nhân: Nếu bạn đang có ý định làm hồ sơ vay vốn để phục vụ cho các hoạt động như vay mua nhà, mua xe, kinh doanh… thì việc có lịch sử tín dụng tốt là một điểm cộng. Bởi, lịch sử tín dụng được cho là một trong những tiêu chí giúp ngân hàng đánh giá khả năng trả nợ của bạn. Nếu bạn có thể xây dựng được một lịch sử tín dụng tốt, thanh toán các khoản dư nợ đúng kỳ hạn thì khả năng hồ sơ được xét duyệt thành công là rất cao.
Những trường hợp không nên dùng thẻ tín dụng
Những lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng là điều không thể phủ nhận. Song, không phải trường hợp nào cũng nên sử dụng chiếc thẻ này. Trong phần hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ một số trường hợp không nên sử dụng thẻ tín dụng:
- Rút tiền mặt: Ngay khi bạn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, tiền lãi sẽ bắt đầu được tính và thường mức lãi suất rất cao. Trong trường hợp cần tiền mặt gấp, bạn nên cân nhắc sử dụng các phương án khác như: rút tiền từ sổ tiết kiệm, sử dụng quỹ dự phòng, vay người thân, sử dụng dịch vụ vay tiền nhanh…
- Thanh toán những giao dịch có giá trị lớn: Các hoạt động như mua xe hơi, sửa chữa nhà cửa, kinh doanh thường cần một số tiền rất lớn. Trong khi đó, số tiền chi tiêu từ thẻ tín dụng càng lớn thì số tiền lãi mà bạn phải trả cũng sẽ càng cao. Đối với trường hợp này, bạn nên ưu tiên cân nhắc các khoản vay cá nhân để hưởng mức lãi suất thấp hơn.
- Không có khả năng quản lý tài chính cá nhân: Nếu không có khả năng quản lý chi tiêu tốt, chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng thẻ tín dụng. Bởi bạn sẽ khó tránh khỏi việc bị “hút” vào “vòng xoáy” chi tiêu. Và khi không thể kiểm soát tài chính, bạn rất dễ dính nợ tín dụng hoặc bị liệt kê vào danh sách nợ xấu.
- Chưa tất toán hết các khoản nợ hiện có: Tiền lãi khi sử dụng thẻ tín dụng là rất cao. Nếu bạn có ý định dùng thẻ để thanh toán các khoản nợ hiện có hoặc để chi tiêu thêm thì chắc chắn đó là những việc không nên làm, nếu bạn không muốn rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”.
Các loại phí khi sử dụng thẻ tín dụng
Khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng, bạn hãy chắc chắn là mình đã nắm rõ các loại phí khi sử dụng thẻ tín dụng sau đây:
- Phí phát hành thẻ: Đây có thể được xem là chi phí đăng ký mở thẻ. Mức phí phát hành của mỗi ngân hàng là khác nhau. Một số ngân hàng có chính sách miễn phí loại phí này, điển hình như MB Bank, Vietcombank, BIDV, VP Bank, VIB, ACB…
- Phí duy trì thường niên: Đây là khoản phí mà bạn phải chi trả hàng năm kể từ thời điểm thẻ được phát hành cho đến khi thẻ hết hạn. Mức phí thường dao động từ 100.000 – 400.000 VNĐ/thẻ/năm với hạng thẻ tiêu chuẩn và 1.000.000 – 5.000.000 VNĐ/thẻ/năm với các hạng thẻ cao cấp hơn.
- Phí vượt hạn mức tín dụng: Mỗi thẻ tín dụng đều được ngân hàng cấp một hạn mức nhất định. Trong trường hợp bạn chi tiêu vượt hạn mức cho phép, bạn sẽ phải trả thêm phí vượt hạn mức cho ngân hàng. Mức phí này được tính dựa trên số tiền đã chi tiêu quá hạn mức.
- Phí giao dịch quốc tế: Thẻ tín dụng không chỉ được sử dụng để thanh toán các sản phẩm/dịch vụ trong nước, mà còn được dùng để thanh toán quốc tế mà không cần chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam, bạn sẽ phải chi trả thêm phí giao dịch quốc tế, thường sẽ không quá 5% tổng giá trị giao dịch.
- Phí chậm thanh toán: Thẻ tín dụng có chính sách miễn lãi nếu khách hàng tất toán đủ trong vòng 45 ngày (một số ngân hàng cho phép miễn lãi trong 60 ngày). Nếu bạn thanh toán dư nợ sau ngày thứ 45, bạn sẽ phải trả thêm cho ngân hàng một khoản phí, gọi là phí chậm thanh toán. Mức phí được tính dựa trên số ngày quá hạn và lãi suất do bên ngân hàng quy định.
- Phí lãi suất: Sau 45 ngày miễn lãi, số tiền mà bạn đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ được áp dụng phí lãi suất. Thông thường, mức phí này dao động từ 25 – 40%/năm (tuỳ vào loại thẻ và quy định của ngân hàng phát hành thẻ).
- Phí rút tiền mặt: Bạn có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với tỷ lệ 50 – 70% hạn mức thẻ. Tuy nhiên, phí rút tiền từ thẻ là rất cao, dao động từ 2 – 4% giá trị giao dịch. Và đặc biệt ngay khi bạn nhận được tiền, tiền lãi sẽ bắt đầu được tính.
- Phí cấp lại thẻ tín dụng: Đây là khoản phí mà bạn phải trả nếu có nhu cầu được cấp lại thẻ khi thẻ tín dụng hết hạn sử dụng hoặc thẻ bị hư, thẻ bị mất…
- Phí huỷ thẻ tín dụng: Nếu bạn không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng thì nhất định phải thực hiện thao tác huỷ thẻ. Mức phí huỷ thẻ của mỗi ngân hàng là khác nhau.
- Phí in sao kê: Trong trường hợp bạn có nhu cầu lấy bản in sao kê lịch sử thẻ tín dụng hàng tháng thì cần phải trả cho ngân hàng từ 50.000 – 100.000 VND/1 bản.
Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Nếu đang có ý định sử dụng thẻ tín dụng, bạn nhất định phải nên lưu tâm đến các lưu ý dưới đây:
- Nắm rõ các điều kiện mở thẻ, điều khoản sử dụng thẻ, các khoản phí và lệ phí (phí chuyển đổi ngoại tệ, phí thường niên, phí vượt hạn mức, phí trả chậm…), thời hạn thanh toán nợ…
- Chỉ nên đăng ký hạn mức tối đa của thẻ tín dụng là 50% thu nhập hàng tháng.
- Lưu ý về kỳ hạn thanh toán được ghi rõ trên các bảng sao kê thẻ. Đảm bảo thanh toán dư nợ thẻ đúng hạn, tốt nhất là trước 45 ngày.
- Tuyệt đối không tùy tiện đưa thẻ tín dụng cá nhân cho người khác, không chia sẻ thông tin trên thẻ cho bất kỳ ai.
- Không nên sử dụng quá nhiều thẻ tín dụng để tránh tình trạng khó kiểm soát chi tiêu. Việc có càng nhiều thẻ tín dụng chỉ khiến nguy cơ phát sinh thêm nhiều khoản nợ tăng.
- Kiểm tra kỹ càng các hoá đơn trước khi thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng.
- Duy trì thói quen theo dõi báo cáo tín dụng và kiểm tra số dư tín dụng hàng tháng.
- Khi thanh toán trực tiếp tại các đơn vị bán hàng, bạn không nên đưa thẻ để nhân viên tự quẹt. Thay vào đó, bạn phải tự mình thực hiện các bước và theo dõi xuyên suốt quá trình thanh toán.
- Cập nhật thường xuyên và tận dụng các ưu đãi từ thẻ tín dụng (nếu có) để giảm bớt chi phí.
Kết luận
Việc sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh sẽ giúp bạn giải quyết được nhiều rắc rối tài chính. Chỉ cần bạn có thể thực hiện tốt các lưu ý đã được chúng tôi đề cập trong bài viết thì sẽ không cần phải quá lo lắng. Hy vọng bài viết đã mang đến được nhiều thông tin hữu ích cho bạn về cách sử dụng thẻ tín dụng!
Bài viết liên quan